Nhóm 3 du học sinh đó là Phan Minh Na Uy,ọcsinhđemcàphêmuốiquaPhầnLanđểbámario Phùng Gia Phát (cùng 17 tuổi) và Phạm Minh Quân (15 tuổi). 3 bạn trẻ này hiện đang học tại Sulkanva High School, thuộc thành phố Sulkanva, Phần Lan.
Đang là học sinh THPT ở Việt Nam, nhưng vì muốn được trải nghiệm, khám phá thế giới, theo đuổi mục tiêu nên 3 bạn trẻ đã chọn đến Phần Lan để du học. Các bạn trẻ vừa sang vào đầu tháng 8.2023 nhưng đã sớm làm quen với cuộc sống nơi đây.
Mặc dù ở bậc THPT, nhưng tại Phần Lan các trường đã dạy về các ngành nghề chuyên môn. Mục đích để học sinh có kiến thức nền trước khi theo đuổi con đường đại học. Có cùng chí hướng nên 3 học sinh này chọn theo đuổi chuyên ngành kinh tế và luôn nhen nhóm ý định kinh doanh. Vì Chính phủ Phần Lan luôn hỗ trợ và khuyến khích khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên, nên việc kinh doanh diễn ra rất thuận lợi.
Nhóm đã lập ra 2 ý tưởng kiếm tiền bằng cách làm thêm ngay vào tháng học thứ 3. Ý tưởng đầu là cung cấp dịch vụ lửa trại, các món nướng phổ biến vào mùa hè. Kế đến là ý tưởng bán và giới thiệu cà phê Việt tại 1 ki-ốt ở trung tâm thành phố. Cuối cùng, các học sinh này quyết định chọn cà phê muối để tập tành buôn bán vì cả 3 đều thích món này khi còn ở Việt Nam.
"Qua 3 tháng tìm hiểu em biết được người Phần Lan thích uống cà phê. Tuy nhiên, họ lại thường uống cà phê pha bằng máy, tinh chất rất loãng, nhạt, vị không ngon bằng các loại ở Việt Nam. Do vậy, chúng em chọn điểm nhấn là cà phê muối để làm mới hơn sự thưởng thức của họ", Quân chia sẻ.
Tuy nhiên, để có thể buôn bán trên đất Phần Lan, bước đầu nhóm 3 bạn trẻ phải lập kế hoạch chi tiết, thuyết trình tính khả thi trước Hội đồng thành phố Sulkanva và cô hiệu trưởng trường đang học. Nhóm phải nêu rõ kế hoạch bán hàng, ngân sách, thu chi, nguồn nguyên liệu, an toàn vệ sinh thực phẩm và cần hỗ trợ những gì rồi mới bắt đầu chính thức mở bán.
"Người Phần Lan rất chuộng cà phê nên tôi nghĩ sẽ thích trải nghiệm một loại cà phê khác có mùi nồng và thơm hơn. Kể cả người Phần Lan rất ít khi uống cà phê vị đậm đà, nên đây sẽ là cơ hội tuyệt vời để thưởng thức một ly cà phê vừa có kem ngọt lẫn chút vị muối. Ngoài ra, chúng tôi còn bán cả cà phê sữa và đen, tất cả đều từ Việt Nam. Hiện tại chúng tôi có hầu hết các vật liệu là: cà phê, phin, máy đánh kem, ly. Bây giờ chúng tôi chỉ cần 1 ki-ốt nhỏ để bán…", phần thuyết trình về kế hoạch bán hàng của 3 du học sinh.
Sau khi trình bày ý tưởng, nhóm được Hội đồng thành phố, cô hiệu trưởng đồng ý và hứa hỗ trợ tối đa về mặt bằng, bàn ghế, nguyên vật liệu, máy móc cần thiết… Nhóm bán vào các ngày cuối tuần, từ 11 đến 16 giờ (giờ Phần Lan). Ngoài ra, sắp tới kỳ nghỉ thu của học sinh nên nhóm sẽ bán trong các ngày này. Mỗi ly cà phê muối được bán với giá 2 euro; cà phê sữa 1,8 euro; cà phê đen (nóng/đá) là 1,5 euro.
Quân nói thêm nguyên liệu cà phê và phin được mang từ Việt Nam, còn kem và đường sẽ mua ở Phần Lan. Các bạn trẻ học pha chế trực tuyến từ một người quen tại Việt Nam. Nếu hết nguyên liệu sẽ đặt mua từ chợ châu Á. Mất khoảng 2 tuần thử nghiệm cà phê muối, Uy, Phát và Quân ở nhà tự pha bằng phin và uống thử. Đồng thời, còn mời bạn bè người Việt và nước ngoài uống và góp ý. Cuối cùng mới ra công thức cà phê muối chuẩn vị Phần Lan.
"Em giảm liều lượng đậm đặc của cà phê cho phù hợp với sở thích người Phần Lan, nhưng vẫn giữ nguyên vị mặn, ngọt chính gốc. Em cũng tìm được 3 loại kem tương tự ở Việt Nam để pha chế", Na Uy chia sẻ.
Bỗng dưng được quan tâm từ cộng đồng
Quân cho biết ngày đầu tiên mở bán, nhóm 3 bạn trẻ dọn một chiếc bàn, bày các loại nguyên liệu và gắn một chiếc bảng quảng cáo nhỏ để bán cà phê. Vì là lần đầu nên nhiều người Phần Lan đến xem vì tò mò, nhưng sau khi uống lại khen rất ngon và đã quay trở lại. Chưa kể, Phan Minh Na Uy còn quay video lại cảnh bán cà phê muối và đăng lên mạng xã hội, nhưng không ngờ được cộng đồng du học sinh và người Việt ở Phần Lan quan tâm.
"Video đầu em đăng lên mạng xã hội đã được gần 1 triệu lượt xem. Đến video thứ 2 đã thành xu hướng và có hơn 2,3 triệu lượt xem trong ngày bán thứ 3. Dù chỉ là kinh doanh nhỏ nhưng em không nghĩ được mọi người quan tâm nhiều đến như vậy. Nhiều bạn du học sinh khác còn nhắn tin đặt hàng, đây là sự động viên lớn với chúng em. Còn số tiền bán được chúng em sẽ dành cho một quỹ từ thiện ở địa phương", Phan Minh Na Uy nói.
Uy và Quân nói rằng dù còn là học sinh nhưng việc kinh doanh này phù hợp với lứa tuổi. Từ cà phê muối sẽ giúp bản thân có thêm kinh nghiệm, trải nghiệm và phát triển hơn trên con đường khởi nghiệp tương lai.