Đón đoàn bước lên bến đảo,ểnđảoTâyNamHònđảođẹpnhấtcựcnamTổquốBaccarat các cán bộ, chiến sĩ công tác tại đảo Hòn Khoai tay bắt mặt mừng. Trạm trưởng Trạm ra đa 595 Trần Thanh Sơn cho hay trên đảo không có dân cư sinh sống. Trong 5 cụm đảo Hòn Khoai thuộc H.Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau gồm Hòn Khoai (còn gọi là Hòn Độc Lập, Hòn Giáng Tiên), Hòn Sao, Hòn Tượng, Hòn Đồi Mồi và Hòn Đá Lẻ, thì Hòn Khoai là đảo lớn nhất, hùng vĩ nhất. Đảo, đá, đồi, rừng, thời tiết ở đây nóng quanh năm, nền nhiệt cao. Mới vài tiếng sau khi bước lên đảo, nắng như muốn cháy da.
Ngày trước, người Pháp gọi Hòn Khoai là đảo "Poulo Obi" hay "Obi". Trong Đại Nam nhất thống chí: Nam Kỳ lục tỉnhcó miêu tả Hòn Khoai (đảo Vu) thế này: "Ở trong biển thuộc H.Long Xuyên, có một tên nữa là Ba Tiêu Viên (Vườn Chuối), rộng ước vài mươi dặm, có suối treo, nước ngọt, bốn mùa không khô cạn, thuyền buôn các nước qua lại phải đậu ở đấy để lấy củi nước; thuyền nào đến trước rồi chạy đi nơi khác buôn bán, phải biên vào một thẻ cây để đẩy cho thuyền sau biết tin tức".
Theo sách Non nước Việt Nam(tác giả Vũ Thế Bình), Hòn Khoai có nhiều loại gỗ quý, nhiều nhất là gỗ sao, và quần thể động thực vật phong phú, phong cảnh thiên nhiên hoang dã lôi cuốn du khách... Và ngày nay, Hòn Khoai được ưu ái gọi là "hòn ngọc" hay "hòn đảo đẹp nhất miền cực nam của Tổ quốc Việt Nam".
Trạm ra đa 595 là một trong các đơn vị đóng quân ở Hòn Khoai. Theo Trạm trưởng Trần Thanh Sơn, Trạm ra đa 595 được thành lập ngày 25.10.1989 với nhiệm vụ: sẵn sàng chiến đấu, báo cáo mục tiêu, quản lý và nắm bắt tình hình trên biển, trên không phận thấp, báo cáo về sở chỉ huy cấp trên; huấn luyện, rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy, bảo đảm an toàn. Đồng thời, phối hợp Đồn biên phòng Hòn Khoai và các lực lượng trên đảo bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn...
Chiến sĩ Nguyễn Phi Hùng (21 tuổi, quê Cần Thơ) thực hiện nghĩa vụ quân sự ở Trạm ra đa 595 đã được 9 tháng. Hùng cho biết bản thân luôn quyết tâm nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ. "Ngoài giờ làm việc, đơn vị tổ chức giao lưu thể thao, văn nghệ để tạo thêm niềm vui. Tôi thấy rất vinh hạnh khi được đón tiếp đoàn, được lãnh đạo thăm hỏi, động viên, tiếp sức. Tôi cũng muốn gửi lời đến gia đình tôi là con đang sống rất khỏe, ba mẹ ở nhà hãy an tâm, không phải lo lắng", Hùng chia sẻ.
Còn chiến sĩ Phạm Thành An trước đây viết đơn tình nguyện đi nghĩa vụ quân sự, công tác ở đảo đã được 9 tháng. An hào hứng kể: "Cuối tuần, trạm trưởng tạo điều kiện cho anh em chiến sĩ liên lạc về nhà, tôi cũng động viên gia đình rằng tôi rất ổn, gia đình không phải lo lắng nhiều. Khi đoàn công tác TP.HCM ra thăm, ai cũng phấn khởi, cố gắng tiếp đoàn chu đáo nhất và rất hãnh diện khi lần đầu tiên được Chính ủy Quân chủng Hải quân (trung tướng Nguyễn Văn Bổng - PV) ra thăm, khích lệ tinh thần. Tôi cũng có ước mơ trở thành quân nhân chuyên nghiệp và muốn đóng góp phần sức lực của mình cho Tổ quốc".
Chính trị viên Trạm ra đa 595 Hoàng Kim Thới (quê Quảng Trị) cho hay đặc thù của trạm là đóng quân ở đảo xa bờ, đồi cao nên điều kiện khó khăn, tình hình nhiệm vụ của đơn vị nặng nề và phức tạp. "Trên cương vị chính trị viên chỉ huy, chúng tôi đã quán triệt, động viên cán bộ, chiến sĩ nêu cao tinh thần tự giác, quyết tâm cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đồng thời, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ để thường xuyên trao đổi chỉ huy nhằm có hướng giải quyết kịp thời. Dịp đoàn công tác đến thăm lần này, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất tới thủ trưởng và các đại biểu. Tôi xin hứa sẽ tiếp tục cố gắng, nỗ lực phát huy những kết quả đạt được trong thời gian qua và tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao phó: bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Tây Nam của Tổ quốc", Chính trị viên Hoàng Kim Thới chia sẻ.
Ông Huỳnh Tuấn Kiệt, Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm cụm đảo Hòn Khoai, cũng cho hay các lực lượng đóng quân trên đảo rất đoàn kết, quyết tâm, động viên và tạo điều kiện cho nhau thực hiện nhiệm vụ. Chính điều này là động lực giúp anh em vượt qua khó khăn. Qua đó, ông Kiệt cũng đề xuất lãnh đạo tăng cường thêm phương tiện tuần tra để bảo vệ và phát triển rừng trên đảo.
Đến thăm Hòn Khoai, đoàn công tác TP.HCM còn trao quà cho cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng khác đóng quân trên đảo như Đồn biên phòng 700 Cà Mau, Trạm hải đăng Hòn Khoai, Hạt Kiểm lâm, Tiểu đoàn 887 (Lữ đoàn 83).
Đồng thời, các đại biểu cũng có cơ hội lên Trạm hải đăng Hòn Khoai, cao 318 m so với mực nước biển, cách Trạm ra đa 595 khu B chừng 3 km. Hải đăng trên Hòn Khoai nằm trong hệ thống đèn biển Cần Giờ - Côn Đảo - Phú Quốc do Pháp xây dựng trước đây.
Một số đại biểu di chuyển về trạm hải đăng bằng xe bán tải, một số đi bộ. Đường lên trạm hải đăng bằng bê tông dốc, bám sườn đồi. Một bên đường là rặng cây, bên kia là biển, không còn thấy đâu nữa những bãi cạn đá lài. Xe leo dốc, ôm nhiều góc cua. Tôi nghe tiếng gió biển vi vu thổi.
Chiến sĩ Nguyễn Thành Công (quê Hà Tĩnh) cho hay anh đến nhận nhiệm vụ ở Trạm hải đăng Hòn Khoai ngày 17.2.2022. Công kể: "Đi nghĩa vụ quân sự, tôi không nề hà vất vả, ở đây anh em vui vẻ, ngoài giờ công tác hằng ngày đều có hoạt động vui chơi thể thao. Chỉ huy luôn động viên, quan tâm anh em chiến sĩ". Hỏi Công có bạn gái chưa, Công cười nói chưa. Hỏi tiêu chuẩn người yêu của Công là gì? "Ưa nhìn là được", Công hồn nhiên đáp...
Đại diện đoàn công tác, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM Trần Thị Phương Hoa chia sẻ bà rất xúc động khi được đến Hòn Khoai và chứng kiến dù nơi đây còn những khó khăn, chưa kể thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, nhưng các cán bộ, chiến sĩ luôn vững dạ bám biển, bám rừng để là điểm tựa vững chắc giúp ngư dân tự tin vươn khơi bám biển.
"Tôi muốn nói rằng chính quyền và nhân dân TP.HCM luôn hướng về đồng bào, các chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió với tất cả tình cảm trân trọng, thân thương nhất. Qua đó, chúng tôi sẽ luôn nỗ lực để làm hậu phương vững chắc, cùng góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc vùng biển đảo Tây Nam thân yêu của Tổ quốc", bà Hoa khẳng định.
Trung tướng Nguyễn Văn Bổng, Chính ủy Quân chủng Hải quân, cũng ghi nhận nỗ lực của các cán bộ, chiến sĩ đang công tác ở Hòn Khoai. Ông cảm ơn tình cảm của chính quyền và nhân dân TP.HCM đã luôn động viên, hướng về lực lượng làm nhiệm vụ nơi hải đảo. Ông nhấn mạnh Đảng, Nhà nước, các đơn vị luôn quan tâm đến chế độ, chính sách cho các lực lượng, trang bị và xây dựng cơ sở vật chất hiện đại để các lực lượng yên tâm công tác trên đảo.
Hòn Khoai không chỉ là danh lam thắng cảnh của Cà Mau, nơi đây còn gắn với sự kiện ngày 13.12.1940, thầy giáo, chiến sĩ cách mạng Phan Ngọc Hiển lãnh đạo quân nổi dậy khởi nghĩa, ghi mốc son trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm. Ngày khởi nghĩa Hòn Khoai sau đó được chọn làm ngày truyền thống cách mạng của Đảng bộ, quân và dân Cà Mau.
(còn tiếp)