"Cả nước hiện không biết bao nhiêu dự án bất động sản nằm chết đứng. Hà Nội cũng rất nhiều,íthưHàNộilohàngtrămdựánbấtđộngsảnchếtđứwto với 712 dự án chậm triển khai lâu năm, vừa rồi ra đề án đã xử lý hủy được hơn 100 dự án, thu lại để đấu thầu, đấu giá được vài nghìn ha", Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng dẫn số liệu tại phiên họp tổ của Quốc hội thảo luận về kinh tế xã hội sáng 24/10.
Theo ông Dũng, nhiều dự án nằm im 10-20 năm khiến người dân bức xúc, là điểm nóng về mất an ninh trật tự. Khai thông được thị trường bất động sản sẽ tạo ra sức lan tỏa rất lớn thúc đẩy nhiều ngành nghề tăng trưởng; ổn định kinh tế vĩ mô; tín dụng ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp; đời sống việc làm.
Tuy nhiên, giải pháp của Chính phủ đưa ra rất nhiều nhưng "hiệu quả thực chất vẫn còn hạn chế". Doanh nghiệp hỏi lên, hỏi xuống nhưng cũng không rõ phải làm thế nào.
Ông Đinh Tiến Dũng kiến nghị Chính phủ nhìn vào thực tế cả nước với các dự án bị đình trệ. Nếu chiếu theo tư duy bây giờ, pháp luật bây giờ, theo ông các dự án sai. Ngày xưa các dự án không đấu thầu, đấu giá, chỉ kêu gọi đầu tư vào giao đất. Doanh nghiệp vào giải phóng mặt bằng làm hạ tầng xong cũng dừng lại. Nhưng giờ theo ông, "để đấy thì lãng phí nguồn lực mà triển khai tiếp thì nguy cơ pháp lý".
Ở đây, ông Dũng cho rằng vướng chủ yếu là Luật Đất đai, Luật Đầu tư. Ông kiến nghị Quốc hội chỉ đạo, ban hành chủ trương rà soát tổng thể, nghị quyết để giải quyết vì thẩm quyền này nằm ngoài tầm quyết định của Chính phủ.
Với những dự án chậm triển khai, Bí thư Hà Nội nói cần tính đúng, tính đủ giá đất, phù hợp với quy định hiện hành và thị trường. "Còn chủ đầu tư nào không còn khả năng phải có giải quyết dứt điểm", ông nói.
Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu đồng tình và nêu thực trạng thu ngân sách từ đất đai ở tất cả địa phương đều giảm sút do thị trường bất động sản đình trệ. Về nguyên nhân, ông cho rằng một giai đoạn thị trường phát triển "bong bóng", giá cả đẩy lên cao, sức mua chủ yếu từ vay ngân hàng. Khi ngân hàng siết chặt tín dụng, lập tức khiến sức mua giảm.
Theo ông Lưu, cơ chế, chính sách trong lĩnh vực bất động sản đang rất vướng, có những việc mà địa phương "hỏi mãi không ai trả lời". Như việc chuyển tiếp từ Luật Đất đai 2003 đến 2013, một số dự án trước đây cấp đất thông qua thủ tục hành chính, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư xong.
"Nhưng qua Luật Đất đai 2013, lại yêu cầu giá đất được tính tại thời điểm giao đất. Như vậy những dự án trước đã nộp tiền rồi, đến khi cấp sổ đỏ thì tính theo giá nào", ông Lưu nêu vấn đề.
Thứ hai, một số dự án bất động sản có sai phạm đã xử lý, xem xét trách nhiệm hình sự cá nhân, nhưng giờ cũng không rõ cách thức triển khai tiếp. Tổ công tác của Chính phủ đã làm việc với một số địa phương để tháo gỡ. Tuy nhiên, ông đề nghị Chính phủ xây dựng cơ chế chung để xử lý các địa phương như nhau.
"Các dự án này, nhà đầu tư cũng đổ vào một lượng lớn kinh phí, người dân cũng đầu tư nhiều tài sản, giờ không xử lý được. Nếu sai sót về thủ tục không đấu giá, giờ có đấu được không, phải có cách thức nào để xử lý, thu được tiền sử dụng đất chênh lệch, bớt thiệt hại cho Nhà nước không", ông nói.
Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Định Lê Kim Toàn nói thị trường bất động sản đã "hình thành giá mới, neo rất cao". Và ở Việt Nam, mỗi khi như vậy, nếu có các biện pháp can thiệp hạ giá xuống "là có vấn đề ngay".
Ông cho rằng mức giá cao khiến người dân khó tiếp cận nhà ở, các phân khúc không có sức cạnh tranh, cũng không thu hút được người mua. Ông Toàn kiến nghị giải pháp cân bằng giữa các phân khúc của thị trường, làm sao để giá nhà phù hợp với sức mua đại đa số người dân. Khi đó thị trường bất động sản sẽ đi vào ổn định.