ThS.BS.CKI Trần Nguyễn Anh Thư,ệnhngoàidathườnggặpdonướcngậptriềucườcơ khí khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết những đợt mưa giông kết hợp triều cường dâng cao gây ngập úng mấy ngày qua tại TP HCM là điều kiện thuận lợi cho vi nấm, vi khuẩn sinh sôi, hoạt động mạnh. Chúng có thể xâm nhập trực tiếp vào làn da gây viêm nhiễm dẫn tới các bệnh ngoài da phổ biến dưới đây.
Viêm da tiếp xúc: Nước ngập thường đi kèm với chất thải từ các nhà máy khu dân cư. Tiếp xúc trực tiếp với nguồn nước ô nhiễm khiến da nổi mẩn đỏ, ngứa, khó chịu. Sử dụng các chất sát khuẩn, tẩy rửa thường xuyên sau khi nước rút cũng làm tăng nguy cơ viêm da ở những người có cơ địa dị ứng trước đó.
Bệnh ghẻ:Đây là bệnh ngoài da thường gặp do ký sinh trùng Sarcoptes scabiei. Trong điều kiện vệ sinh kém, ghẻ sinh sôi nảy nở, lan truyền rất nhanh và có thể phát triển thành dịch. Bệnh thường xuất hiện ở những vùng dân cư đông đúc, nhà ở chật hẹp, thiếu vệ sinh, thiếu nước sinh hoạt. Bệnh lây từ người này sang người khác thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua quần áo, chăn chiếu có trứng ghẻ hoặc cái ghẻ.
Nấm kẽ chân (nước ăn chân):Môi trường ngập úng kéo dài, chân thường xuyên tiếp xúc với nước là cơ hội để nấm Trichophyton và Epidermophyton xâm nhập vào da. Người bệnh bị ngứa, rát, khó chịu, nặng nhất thường ở kẽ chân thứ ba, thứ 4. Một số người khi lội nước nhiều, các kẽ chân xuất hiện các mảng bong da hoặc các vết trợt loét. Nếu không được điều trị, vết trợt loét sâu và lan rộng, nhiễm trùng, người bệnh sưng đau, khó đi lại.
Viêm da nhiễm trùng:Nhóm người mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, ung thư và suy giảm miễn dịch có thường di chuyển ở vùng ngập nước có nguy cơ nhiễm trùng da vào mùa mưa cao hơn. Nhiễm trùng da ở người bệnh tiểu đường khó điều trị hơn, vết thương lâu lành hơn.
Bác sĩ Anh Thư cho biết Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, lượng mưa và độ ẩm cao nên người dân rất dễ mắc các bệnh ngoài da khi thời tiết thay đổi. Để phòng bệnh, nên thường xuyên vệ sinh môi trường sống, cung cấp đủ nước sạch. Hạn chế tối đa tiếp xúc với các nguồn nước bẩn, nếu bắt buộc phải đi vào nước bẩn nên mang dụng cụ bảo hộ, sau đó rửa lại bằng nước sạch và lau khô, nhất là các vùng kẽ ngón tay, ngón chân. Tránh để vết thương hở tiếp xúc trực tiếp với nước bẩn.
Khi vết thương lan rộng, người bệnh cần hạn chế cào gãi và nên đến bệnh viện có chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da để khám và điều trị bệnh đúng cách. Nên có một số dung dịch sát khuẩn như nước muối sinh lý, povidine... tại nhà để rửa vết thương trước khi bôi thuốc hoặc sát khuẩn vết thương. Lưu ý sử dụng vừa phải, tránh lạm dụng.
Phạm Duy